Đằng sau một chiếc smartphone Android, luôn có những tính năng ẩn mà các nhà sản xuất dành tặng cho người dùng. Điện thoại ngày nay được ra đời không chỉ phục vụ những tính năng cơ bản như chơi ứng dụng, nghe/gọi hay nhắn tin. Điều này giải thích tại sao, chúng ta có rất nhiều smartphone chạy Android, iOS hay Windows Phone tới vậy. Nói một cách đơn giản, smartphone hoạt động giống như một chiếc máy tính thu nhỏ, với rất nhiều tiện ích về cho công việc hay giải trí. Tất nhiên, đằng sau một chiếc smartphone, luôn có những tính năng ẩn mà các nhà sản xuất dành tặng cho người dùng. Vậy làm sao để tận dụng được tối đa những tiềm năng của một chiếc smartphone Android? 1. Thử ngay Google Now Việc điều kiển, tìm kiếm và yêu cầu các tác vụ bằng giọng nói đã không còn xa lạ gì với người dùng trên Android. Google Now vốn hoạt động khá tốt, và mới đây trợ lý ảo này đã bắt đầu hỗ trợ ngôn ngữ Tiếng Việt. Ngoài khả năng tìm kiếm vốn có, Google Now thậm còn có thể sử dụng để mở các ứng dụng, thiết lập trong máy. Với người dùng Việt Nam, sử dụng các câu lệnh và tìm kiếm bằng Tiếng Anh là 1 rào cản lớn. Được hỗ trợ Tiếng Việt sẽ giúp người dùng Việt tiếp cận được với ứng dụng này. Qua những trải nghiệm ban đầu, Google Now có khả năng bắt từ rất tốt, từ ngữ Việt Nam được máy ghi lại nhanh và chính xác, ngay cả khi sử dụng song song tiếng Việt và Tiếng Anh trong cùng 1 câu, Google Now cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. 2. Sạc không dây Cách đây khoảng 2 năm, sạc không dây được xem là tính năng cực kì mới trên smartphone Android, khi lần đầu tiên tính năng này được giới thiệu trên các mẫu smartphone Google Nexus 4, Galaxy S4 của Samsung. Về cơ bản, sạc không dây sử dụng cảm ứng từ, cung cấp năng lượng cho các thiết bị khi đặt lên trên một bề mặt và không cần dùng đến cáp nối. Chúng ta chỉ cần đặt thiết bị lên trên một bộ sạc không dây và nó sẽ bắt đầu phần việc còn lại. Tất nhiên, phần đế của bộ sạc không dây vẫn cần phải được cắm vào tường để lấy điện. Còn ở thời điểm hiện tại, sạc không dây đã ngày càng trở nên phổ biến hơn. Bạn có thể dễ dàng tìm mua các bộ sạc không dây từ A tới Z, tại các cửa hàng công nghệ hiện nay. 3. Công nghệ NFC Hiểu đơn giản, NFC là một công nghệ giao tiếp trường gần, sử dụng cảm ứng từ trường để thực hiện kết nối giữa các thiết bị khi có sự tiếp xúc trực tiếp hay để gần nhau. NFC được phát triển dựa trên nguyên lý nhận dạng bằng tín hiệu tần số vô tuyến có tốc độ truyền tải dữ liệu tối đa 424 Kbps. Do khoảng cách truyền dữ liệu khá ngắn (trong khoảng cách 4 cm) nên giao dịch qua công nghệ NFC được xem là an toàn. Nhờ có công nghệ NFC, smartphone có thể giao tiếp với các thẻ thông minh, một điện thoại khác, hay các thiết bị giải trí, điện tử hỗ trợ NFC. Ngoài ra, NFC còn được kết hợp nhiều công nghệ sử dụng trong các hệ thống công cộng như bán vé, vé gửi xe điện tử, thanh toán hóa đơn hay gần gũi nhất là Android Pay. 4. Tìm điện thoại thất lạc Đánh mất điện thoại là một nỗi ám ảnh đối với tất cả người dùng hiện nay. Một ngày nào đó, bỗng nhiên chúng ta không thể tìm thấy chiếc smartphone của mình, hoặc quên mất là đã để thiết bị ở chỗ nào, thì đây là lúc tính năng Android Device Manager sẽ giúp chúng ta tìm lại điện thoại bị mất một cách hiệu quả. Về cơ bản, Android Device Manager là một ứng dụng trên các smartphone Android với các chức năng chính là xác định vị trí thiết bị Android được liên kết với tài khoản Google, đặt lại khóa màn hình thiết bị, hoặc xóa tất cả dữ liệu trên điện thoại vì lý do bảo mật. Khi đã tìm lại được smartphone, chúng ta chỉ cần phải gõ vào đúng mật khẩu trên Android Device Manager để có thể sử dụng thiết bị. Trong trường hợp máy đã thiết lập sẵn mật khẩu, PIN hoặc unlock pattern thì Android Device Manager sẽ xóa nó đi và sử dụng mật khẩu mới. 5. Các tính năng bảo mật mới Nếu như Android Device Manager giúp chúng ta tìm lại chiếc smartphone bị thất lạc, thì các phương pháp bảo mật trên màn hình khóa của thiết bị sẽ giúp người dùng tự bảo vệ được các thông tin, dữ liệu nhạy cảm có trên smartphone. Tất nhiên, ngoài những phương thức bảo mật truyền thống như sử dụng mật khẩu, mã PIN, một số smartphone Android tầm trung và cao cấp đã đem tới cho người dùng có bộ cảm biến vân tay, với ưu điểm mở khóa màn hình nhanh hơn, bảo mật hơn, và có thể kết hợp để thanh toán Android Pay. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể hướng tới những công nghệ bảo mật mới đã xuất hiện trên Android như nhận diện khuôn mặt để mở khóa màn hình. Tất nhiên, phương pháp này chỉ cho hiệu quả cao khi chúng ta mở khóa smartphone trong điều kiện đủ sáng, camera có thể chụp rõ nét khuôn mặt của người dùng. 6. Không ngần ngại tùy biến smartphone Rõ ràng, lý do lớn nhất khiến người dùng đến với các smartphone Android đó là khả năng tùy biến tối đa, từ giao diện, biểu tượng, hình nền cho tới cả bản ROM mà thiết bị sử dụng. Ở cấp độ thông thường, người dùng có thể cài đặt một bản Launcher từ các bên thứ 3, nhằm làm mới giao diện trên smartphone mà mình đang sử dụng. Đơn cử như việc một chiếc smartphone của Samsung với giao diện TouchWiz có thể được hô biến thành iOS 9 chẳng hạn. Còn ở cấp độ cao hơn, chúng ta có thể thử thực hiện root máy. Khi thực hiện thành công, phương pháp này sẽ cho phép người dùng truy xuất, quản trị vào nhân hệ thống, mà thông thường không thể tiếp cận được. Tất nhiên, việc root máy luôn cần đẩy đủ kiến thức, nhằm tránh những trường hợp smartphone trở thành cục gạch lúc nào không hay biết.Theo: Genk