Không thể phủ nhận, LG G3 là một trong những chiếc điện thoại hàng đầu trên thế giới đến từ hãng điện tử Hàn Quốc cùng với các thông số kỹ thuật và màn hình Quad HD ấn tượng. Dẫu vậy, dù hoàn hảo đến đâu, tồn tại một số lỗi nhỏ trong quá trình sử dụng là điều khó tránh khỏi. Những kinh nghiệm trong bài viết dưới đây sẽ giúp bạn khắc phục điều đó: 1. Tự động tắt nguồn Một trong số những lỗi phổ biến trên LG G3, điện thoại thường xuyên bị tự động tắt nguồn. Dù đã nhấn phím nguồn để khởi động lại, song nhiều khi thiết bị vẫn không hoạt động. Người dùng phải tháo pin ra lắp lại rồi thực hiện lại thao tác trên thì máy mới vận hành. Giải pháp: “Factory Reset” là một trong những phương án tối ưu nhất để giải quyết vấn đề này. Trước tiên, hãy chắc chắn rằng, bạn đã sao lưu tất cả những dữ liệu quan trọng của mình. Tiếp đó, thực hiện theo các bước sau, Settings > General > Backup and Reset > Factory Data Reset > Reset Phone > Earse Everything. Nếu đã thực hiện “Factory Reset” mà lỗi vẫn còn, hãy chuyển sự chú ý vào danh sách những ứng dụng mà bạn đã cài đặt trên máy. Có thể, một ứng dụng cụ thể nào đó có thể không tương thích với thiết bị chính là nguyên nhân dẫn đến vấn đề này. 2. Máy nóng Nhiều người dùng LG G3 than phiền, thiết bị của họ thường trở nên quá nóng sau một thời gian sử dụng cho các hoạt động như chơi game, xem video hoặc có quá nhiều ứng dụng chạy nền. Giải pháp: Xóa tất cả những ứng dụng nền mà bạn không sử dụng và tắt tính năng tự động đồng bộ. Để thực hiện điều này, vào Settings > General > Applications, sau đó chọn ứng dụng mà bạn muốn xóa hoặc vô hiệu hóa tính năng tự động đồng bộ. Nhiều khi, việc để độ phân giải cùng độ sáng màn hình quá cao cũng khiến máy nóng hơn. Dù LG G3 có tính năng tự động giảm độ sáng khi màn hình trở nên quá nóng, nhưng chúng tôi có lời khuyên, hãy giảm độ sáng màn hình xuống và tự cài đặt ở mức độ phù hợp nhất. Ngoài ra, việc sử dụng vỏ bọc, ốp điện thoại cũng là một trong những nguyên nhân làm thiết bị nóng lên nhanh chóng. Bởi vậy, mỗi khi có ý định sử dụng điện thoại cho hoạt động cường cao nào mà bạn biết trước sẽ gây nóng máy (ví dụ, xem video thời gian dài, chơi game đồ họa khủng,…) thì hãy tháo ốp lưng trước khi vận hành. 3. Giao diện bị trễ hoặc chậm Chậm trễ khi điều hướng trên giao diện, chậm chạp trong thao tác vào/ra ứng dụng hoặc cảm ứng kém nhạy, tất cả sẽ được giải quyết với các thao tác dưới đây. Giải pháp: Bạn cần truy cập vào tùy chọn Developer để thực hiện một số thay đổi cần thiết. Để thấy được mục Developer, hãy vào Settings > About Phone > Software Information và nhấn 7 lần Build Number để mở chế độ Nhà phát triển (Developer Mode). Quay trở lại menu Settings, lúc này bạn sẽ thấy và chọn Developer. Tiếp theo, giảm hoặc tắt hoàn toàn Windows animation scale, transition animation scale hoặc Animator duration scale để giải quyết các vấn đề trên. Bên cạnh đó, còn có 1 giải pháp phức tạp hơn, đòi hỏi bạn phải truy nhập vào một menu ẩn. Để gọi menu này, hãy quay số 3845#*855#, với 855 là mã của LG G3 phiên bản quốc tế, 851 là phiên bản của nhà mạng T-Mobile và 850 cho AT&T. Người dùng phiên bản của nhà mạng Sprint có thể quay số 5689#*990#, và Verizon sử dụng ##228378. Tiếp theo, tìm High Temperature Property OFF và bật nó lên. Tắt thiết bị và đợi khoảng 10s. Sau đó, bật thiết bị lên và đợi ít nhất 30s trước khi mở khóa. Lặp lại các bước trên để có menu ẩn này một lần nữa, rồi kéo xuống Thermal Daemon Mitigation OFF và mở nó lên. Tiếp đó, thực hiện tương tự bước bật tắt nguồn. Sau khi quá trình vận hành xong, hãy chờ điều “kỳ diệu” sẽ đến khi sử dụng. Với vấn đề về cảm ứng, bạn có thể vào Settings > Accessibility > Touch and Hold delay và điều chỉnh nó cho phù hợp. Ngoài ra, bạn cũng có thể thử và sử dụng thêm các launcher khác nhẹ hơn ngoài mặc định của máy trên Google Play Store để tránh tình trạng trễ, giật. 4. Thời lượng pin kém Dù LG G3 sở hữu một viên pin có dung lượng lên tới 3000 mAh, song có lẽ từng đó vẫn là chưa đủ để hiển thị một màn hình độ phân giải cao như Quad HD. Giải pháp: Những giải pháp sử dụng ở mục (2) cũng có thể ứng dụng được trong trường hợp này giúp tăng đáng kể tuổi thọ pin. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng một số ứng dụng giúp tiết kiệm pin khá tốt trên Google Play Store như Juice Defender hoặc bật tính năng tiết kiệm năng lượng có sẵn trong LG G3 bằng thao tác Settings > General > Battery > Power Saving Mode. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể vào Settings > General > Battery > Battery Use để kiểm tra mức sử dụng pin của từng ứng dụng và có các điều chỉnh hợp lý. Cuối cùng, hãy nhớ để ý những kết nối wifi, 3G/4G, NFC, Bluetooth, … và tắt chúng đi khi không dùng đến để thời lượng pin sử dụng được lâu nhất. 5. Chất lượng thoại kém Chất lượng thoại kém khi thực hiện các cuộc gọi là một trong những vấn đề bị người dùng than phiền nhiều nhất trên LG G3. Điều đặc biệt là, lỗi này chỉ xảy ra với các cuộc gọi GSM (cuộc gọi từ SIM), trong khi cuộc gọi Skype hoặc cuộc gọi sử dụng tai nghe để đàm thoại vẫn hoạt động bình thường. Giải pháp: Vào Settings > Call > Voice enhancement. Tiếp đó, bật hoặc tắt tính năng này và kiểm tra sự khác biệt chất lượng đàm thoại trong cả 2 trường hợp để lựa chọn phương án tối ưu. Ngoài ra, cũng trong cùng menu, chọn Privacy Keeper, thực hiện bật hoặc tắt như trên để giảm các vấn đề về méo và nhiễu sóng. 6. Lỗi âm thanh Nhiều chủ sở hữu LG G3 đã phản hồi về các vấn đề liên quan tới âm thanh playback. Thực tế, lỗi này thường xảy ra khi sử dụng tai nghe như những tiếng rít khi dùng tai, đặc biệt là âm qua kênh bên trái, hoặc thiết bị đã cắm cáp aux mà điện thoại vẫn chơi nhạc qua loa ngoài của thiết bị. Giải pháp: Các lỗi này phần nhiều có khả năng là do vấn đề tương thích phần mềm với bản Android 4.4.2 KitKat. Do đó, hãy chờ đợi và cập nhật lên bản Android 4.4.4 ngay khi có thể để khắc phục những vấn đề này. Ngoài ra, còn có một cách khác, song nó chỉ có hiệu quả trong một số trường hợp chứ không giải quyết được hoàn toàn vấn đề của bạn. Đó là, chuyển đổi từ ART sang Dalvik trong tùy chọn Developer. 7. Lỗi máy ảnh Trên LG G3, có một lỗi khá phổ biến, ứng dụng máy ảnh thường bị treo khi người dùng sử dụng tính năng zoom (phóng đại) khi đang quay video. Tất nhiên, file video đó cũng sẽ bị hỏng và không mở lên được. Giải pháp: Nhiều người đã sửa chữa thành công vấn này đề khi thực hiện thao tác “hard reset” giống mục (1). Bạn có thể làm tương tự như các bước trên mục (1). Hoặc nhấn tổ hợp phím nguồn + phím giảm âm lượng cùng lúc cho đến khi thấy được logo của LG. Sau đó, thả nút nguồn rồi ngay lập tức, nhấn và giữ nó lại lần nữa. Khi tùy chọn “hard reset” Factory xuất hiện, bạn có thể lựa chọn theo các tùy chọn để thực hiện thao tác này. Ngoài ra, đây cũng là lỗi do phần mềm của LG chưa tương thích với bản Android 4.4.2. Bởi vậy, người dùng cũng có thể đợi để nâng cấp lên bản Android 4.4.4 hoặc thử sử dụng một số ứng dụng máy ảnh đến từ bên thứ ba trên Google Play Store để giải quyết vấn đề. 8. Điện thoại tự bật màn hình khi đút túi Phần nhiều lỗi này thường xảy ra khi tính năng đặc trưng trên LG G3, Knock On, được kích hoạt. Giải pháp: Tắt tính năng Knock On đi bằng cách truy nhập vào menu ẩn như trên mục 3. Trong menu, kéo xuống phần Knock On, chọn và nhấp vào nó để vô hiệu hóa tính năng này. Nếu bạn vẫn muốn sử dụng Knock On, giải pháp tạm thời cho vấn đề này là hãy quay màn hình điện thoại hướng ra ngoài (ngược với hướng cơ thể) khi giữ thiết bị trong túi, hoặc sử dụng một flip cover để che màn hình. Theo: Vnreview