Trong thời tiết nóng kinh khủng như vài ngày gần đây, chiếc dế yêu của chúng ta có thể phát nổ bất cứ lúc nào nếu không sử dụng đúng cách.
Trong những ngày gần đây, thời tiết ở các tỉnh miền Nam đang trở nên nóng hơn bao giờ hết. Đi cùng đó là nỗi lo về chiếc smartphone của chúng ta có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Do đó, hôm nay bài viết này xin điểm lại những điều cần lưu ý khi sử dụng điện thoại để bạn đọc có thể phòng tránh tối đa khả năng phát nổ, điều có thể gây nguy hiểm đến chính tính mạng của tất cả chúng ta.
1. Tránh xa pin không rõ nguồn gốc
Có thể nói, khi cần thay pin smartphone, rất nhiều người thường ngại chi phí cao của linh kiện chính hãng nên thường tìm đến pin “lô” tại các cửa hàng bán lẻ. Tất nhiên là hầu hết những viên pin này đều có nguồn gốc không rõ ràng và chất lượng kém. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính của nhiều trường hợp thương tâm khi điện thoại phát nổ do pin bị đoản mạch và quá nhiệt.
Pin không rõ nguồn gốc là nguyên nhân chính dẫn đến cháy nổ.
Trước đây, các hãng như Apple, Dell hay HP cũng đã từng tung ra những thiết bị có pin bị lỗi. Và nhanh chóng sau đó nó đã được thu hồi và thay thế, dù điều này có thể ảnh hưởng đến uy tín của họ. Có thể thấy, việc sử dụng một cục pin “chuẩn” luôn được các nhà sản xuất xem trọng. Do đó, khi cần phải thay pin mới, hãy lựa chọn các sản phẩm chính hãng, có nguồn gốc rõ ràng để tránh “tiền mất tật mang”.
2. Không sử dụng trong lúc sạc
Lâu nay, hầu hết các nhà sản xuất điện thoại đều ghi trên hướng dẫn về việc không nên sử dụng điện thoại lúc đang sạc pin, nhưng phần lớn người dùng không để ý. Theo đó, khi đang sạc, smartphone sẽ nóng lên rất nhiều so với khi được sử dụng bình thường. Chính vì thế, để tránh viên pin có thể quá nhiệt và gây nổ, chúng ta tuyệt đối không nên chơi game hay dùng những ứng dụng nặng khi sạc.
Không nên sử dụng điện thoại trong lúc đang sạc.
Một điểm lưu ý nữa, nếu như khi đang sạc mà chúng ta nhận được cuộc gọi đến thì lúc đó hãy nên rút dây sạc ra rồi mới bắt đầu nói chuyện. Ngoài ra, việc để tay ẩm ướt khi sử dụng điện thoại đang sạc sẽ là môi trường dẫn điện dẫn đến có thể bị điện giật bất cứ lúc nào.
3. Tránh sử dụng ngoài trời nắng
Có thể bạn chưa biết, phần lớn những chiếc smartphone hiện nay đều chạy ì ạch dưới thời tiết quá nóng. Bởi lẽ, theo khuyến cáo của nhà sản xuất thì các thiết bị di động chỉ có thể hoạt động ổn định trong khoảng từ 0 đến 35 độ C mà thôi.
Tránh sử dụng và để thiết bị ngoài chỗ nắng quá lâu.
Do đó, tốt nhất chúng ta không nên sử dụng smartphone quá lâu dưới trời nắng nóng, đặc biệt là các tác vụ nặng như chơi game sẽ khiến máy bị nóng rất nhanh. Bên cạnh đó, tuyệt đối không được để smartphone bên cạnh cửa sổ hay những nơi có ánh nắng trực tiếp chiếu vào. Vì nếu nhiệt độ cao quá mức cho phép cũng sẽ làm cho máy bị nóng, gây ảnh hưởng đến pin, lỗi màn hình hiển thị hay thậm chí là phát nổ.
4. Chỉ nên sạc pin ở nơi thoáng mát
Chỉ nên sạc pin ở những nơi thoáng mát.
Hãy nên nhớ luôn luôn để điện thoại ở nơi khô ráo thoáng mát khi sạc pin. Bởi lẽ, smartphone sẽ rất dễ cháy nổ nếu như bạn thường xuyên sạc pin ngay trong điều kiện khắc nghiệt ngoài khả năng chịu đựng của nó như quá ẩm ướt hay quá nóng. Ngoài ra, cũng không nên đặt smartphone lên chăn bông hoặc đệm mút để sạc vì những vật dụng này sẽ làm cho máy khó có thể thoát nhiệt ra được.
5. Smartphone bị rơi rớt nhưng không chịu kiểm tra
Bạn có hay vô tình làm rơi chiếc dế yêu của mình ở một khoảng cách rất cao, thế nhưng khi bật nguồn lên nó vẫn còn hoạt động bình thường? Nếu có thì xin đừng vội mừng, bởi lẽ ngoài những hư hại dễ nhận thấy như màn hình bị vỡ, một cú rơi mạnh có thể gây ra những vết nứt nhỏ trên linh kiện bên trong, gây nứt pin hoặc làm hở linh kiện qua kẽ nứt màn hình.
Cho dù máy có hoạt động ổn định, vẫn nên đi kiểm tra nếu như bị rơi vỡ.
Điều này về lâu dài sẽ có thể khiến chiếc dế yêu của bạn thành quả bom hẹn giờ và có thể phát nổ bất cứ khi nào. Cho nên, khi điện thoại bị rơi vỡ mạnh, hãy ngay lập tức đem máy tới trung tâm sửa chữa chuyên nghiệp để được kiểm tra.
6. Tháo ốp lưng khi sạc
Bên cạnh tác dụng bảo vệ hay trang trí, trong một vài trường hợp, những chiếc ốp lưng lại chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc smartphone phát nổ do quá nhiệt. Bởi lẽ, nếu dùng ốp lưng khi đang sạc, lượng nhiệt tỏa ra từ máy sẽ không thoát ra được mà bị giữ lại ở bên trong và lan tỏa ngược lại vào máy.
Khi sạc pin hãy nhớ tháo ốp lưng ra.
Ngoài ra, hầu hết vỏ của các smartphone hiện nay đã được nhà sản xuất thiết kế để có thể tản nhiệt trong quá trình người dùng sạc pin. Vì vậy, để tăng hiệu quả sạc pin cũng như đảm bảo an toàn cho thiết bị, chúng ta nên tháo phụ kiện này ra.
7. Cảnh giác khi pin bị phồng và máy nóng bất thường
Việc sử dụng điện thoại ở thời tiết nóng thường xuyên rất dễ dàng khiến viên pin của nó bị chai và phồng. Lâu dài, nó cũng sẽ khiến smartphone phát nổ. Cho nên hãy thường xuyên kiểm tra viên pin của máy bởi lẽ bị phồng chính là dấu hiệu cho thấy đã đến lúc cần phải thay thế.
Thường xuyên kiểm tra và thay thế khi pin bị phồng.
Tuy nhiên, với những thiết bị không thể tháo nắp lưng ra kiểm tra pin như iPhone, chúng ta có thể dễ dàng nhận biết qua những dấu hiệu như máy bị nóng bất thường, màn hình bị biến dạng màu sắc và khi chạm vào thường ra màu khác.
8. Tuyệt đối không để điện thoại dưới gối khi ngủ
Hầu hết chúng ta thường có thói quen khi ngủ sẽ bỏ điện thoại dưới gối để không bị bỏ lỡ các cuộc gọi hay chỉ vì thói quen tiện đặt nó ngay bên cạnh người. Tuy nhiên, thói quen tưởng chừng như vô hại này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta mà còn gây ra những hậu quả vô cùng khôn lường.
Điện thoại sẽ có thể phát nổ nếu như để dưới gối khi ngủ.
Theo đó, đã có rất nhiều cảnh báo về việc để smartphone dưới gối khi ngủ sẽ làm cho pin trong máy bị nóng lên và không thể thoát nhiệt, một vài trường hợp nó sẽ phát nổ. Trong thực tế, đã có nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra, thế nhưng phần lớn mọi người vẫn đang dửng dưng và bỏ ngoài tai những lời cảnh báo này. Cho nên, chúng ta phải thay đổi lại thói quen đó của mình, để trước hết là phòng tránh được toàn bộ nguy cơ cháy nổ và sau nữa là bảo đảm được an toàn cho bản thân.
Nguồn: Tổng hợp